Bí ẩn về tục chôn cất ‘ma cà rồng’ ở Ba Lan

Trong suốt thế kỷ 17 và 18, một số tục lệ mai táng khá bất thường đã trở nên phổ biến trên khắp Ba Lan với hy vọng ngăn cản người chết đội mồ sống lại và biến thành ma cà rồng.

Những huyền thoại về ma cà rồng

Những câu chuyện về người chết sống lại biến thành ma cà rồng hay quỷ hút máu đã có từ rất lâu, xuất hiện trong nền văn hóa của người Ai Cập, Hy Lạp và Babylon cổ đại hoặc nhiều hơn nữa, Tracy Betsinger, nhà khảo cổ học tại Đại học bang New York ở Oneonta (Mỹ), nhận định.

Huyền thoại về ma cà rồng đã được lưu hành ở Đông Âu ít nhất từ thế kỷ 11. Truyền thuyết về ma cà rồng trong thế kỷ 17 không phải là một sinh vật hút máu người như thường lệ mà thay vào đó là sinh vật có thể giết chết người sống chỉ trong nháy mắt. Ví dụ, trong năm 1725, một quan chức người Áo kể lại câu chuyện về một nông dân Serbiatên là Petar Blagojevic đã giết 9 người dân cùng làng trước khi bị mọi người đóng cọc xuyên tim.

“Trong truyền thuyết cổ đại, một người có nguy cơ đội mồ sống lại và biến thành ma cà rồng sau khi chết nếu họ chưa được rửa tội, bị chết một cách đầy bạo lực. Họ cũng có thể là người đầu tiên chết trong một đại dịch hoặc người lạ ở địa phương khác đến”, Lesley Gregoricka, nhà khảo cổ tại Đại họcNam Alabama (Mỹ), cho biết.

Lưỡi hái nằm ngang ngực của bộ xương. Nguồn: Gregoricka
Lưỡi hái nằm ngang ngực của bộ xương. Nguồn: Gregoricka

Quan niệm cho rằng ma cà rồng uống máu có thể xuất hiện lúc phát sinh các dịch bệnh. Xác chết thường nằm la liệt khắp nơi và thời gian phân hủy kéo dài. Cơ thể họ có xu hướng trương phình lên sau khi chết bởi các khí do vi khuẩn tạo ra. Áp lực từ phần cơ thể thấp hơn đẩy máu lên từ phổi vào thực quản, sau đó chảy ra đường miệng. Điều này có thể khiến người dân địa phương tin rằng, xác chết của những người gầy còm, mảnh khảnh này lúc còn sống được “vỗ béo” từ việc uống máu tươi. “Mọi người đã đến gần và quan sát những xác chết nhưng không có cách nào để giải thích những gì đang xảy ra”, Gregoricka nói.

Tục chôn cất ma cà rồng tại Ba Lan

Trong suốt thế kỷ 17 và 18, người dân phía bắc Ba Lan đã duy trì một tập tục chôn cất khá kỳ lạ. Một số người được chôn với lưỡi hái nằm ngang ngực hoặc nhét hòn đá vào hàm. Đây là cách thức phổ biến mà cư dân địa phương thời đó sử dụng nhằm ngăn chặn người chết tái sinh và biến thành ma cà rồng. Nó được gọi là nghi thức tang lễ “apotropaic” để tránh điều không may, theo kết quả nghiên cứu đăng trên tạp chí PLOS ONE.

“Lưỡi hái sẽ cắt đứt đầu một người được cho là ma cà rồng nếu họ cố gắng ngoi lên khỏi ngôi mộ. Trong khi đó, những tảng đá sẽ ghim chặt hàm để họ không thể ăn nếu sống lại”, theo đồng tác giả nghiên cứu Gregoricka tại Đại họcNam Alabama (Mỹ).

Các nhà nghiên cứu đã rất khó khăn để tìm hiểu lý do những thi thể này khiến người dân địa phương phải sợ hãi đến thế. Nhiều khả năng người dân địa phương cho rằng các thi thể chính là ma cà rồng. Đã có rất nhiều giả thuyết được đưa ra, trong đó phổ biến nhất là giả thuyết người dân coi ma cà rồng “tiềm ẩn” vốn là người lạ từ nơi khác đến, khiến họ phải tiêu diệt.

Bí ẩn về tục chôn cất 'ma cà rồng' ở Ba Lan - Ảnh 1

Hộp sọ được cho là của ma cà rồng với hòn đá nhét vào miệng. Nguồn: Matteo Borrin

Ma cà rồng chính là người dân địa phương

Nghiên cứu của Gregoricka và các cộng sự đã cung cấp bằng chứng đầu tiên cho thấy ma cà rồng là điều không có thật. Trên thực tế, ma cà rồng chỉ là những người dân bình thường sống trong khu vực.

Nhóm nghiên cứu đã phân tích các mảnh xương từ nghĩa trang Drawsko, một địa điểm tại Ba Lan được cho là nơi chôn cất ma cà rồng. Khu nghĩa trang có niên đại từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 18. Họ xem xét kỹ hơn 60 trong số 333 ngôi mộ ở khu nghĩa trang. Sáu ngôi mộ trong số đó được tiến hành theo nghi lễ chôn cất ma cà rồng, với ý định ngăn chặn xác chết hồi sinh trở lại. Các ngôi mộ còn lại đều bình thường.

Các nhà khoa học phân tích tỷ lệ đồng vị stronti (các nguyên tử stronti với số lượng nơtron khác nhau) trong răng của những người được cho là ma cà rồng và 54 người dân địa phương bình thường được chôn trong cùng khu vực. Bởi vì mỗi khu vực có một tỷ lệ duy nhất của các đồng vị này, và cơ thể người hấp thụ nguyên tố stronti một cách tự nhiên. Do đó, việc phân tích tỷ lệ đồng vị stronti có thể tiết lộ một người đến từ đâu.

Trái ngược với giả thuyết ban đầu cho rằng, ma cà rồng là những người lạ “nhập cư”, nhóm nghiên cứu phát hiện tất cả 6 thi thể ma cà rồng thực chất không phải người lạ, mà chính là người cùng làng bởi vì họ có cùng tỷ lệ đồng vị stronti.

Do không ai trong số các ma cà rồng có dấu hiệu bị chết một cách đầy bạo lực hoặc chấn thương nghiêm trọng nên nhóm nghiên cứu suy đoán rằng, ma cà rồng có lẽ là những người đầu tiên bị mắc bệnh trong đợt dịch tả quét qua khu vực trong thời gian đó. “Trên thực tế, tất cả những người bị chôn cất như ma cà rồng đều là người dân địa phương. Họ có thể đã chết vì bệnh tả trong nhiều ngày hoặc thậm chí vài giờ”, Gregoricka cho biết.

“Người dân sống ở những giai đoạn sau thời Trung Cổ không hiểu dịch bệnh lây lan như thế nào. Thay vì tìm cách lý giải khoa học, bệnh tả và các ca tử vong do nó gây ra được giải thích bởi các hiện tượng siêu nhiên. Trong trường hợp này là ma cà rồng”, Gregoricka nhận định.

Dù chỉ là giả thuyết, nhưng kết quả nghiên cứu đã đem lại một cái nhìn sâu sắc hơn về các hoạt động văn hóa, xã hội của của người dân châu Âu thời xưa. Ngoài ra, đây có thể là tiền đề cho việc lý giải một số tập tục chôn cất cực đoan, chẳng hạn như tục thiêu sống phù thủy từng rất phổ biến tại Italy.

Theo Science Alert, Live Science

Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục