Microsoft công bố giải pháp giúp giảm thiểu mức độ ô nhiễm từ các chuyến bay công tác

 

Microsoft vừa thông báo một giải pháp mới để giảm thiểu ô nhiễm từ hoạt động đi lại của nhân viên công ty. Hãng đang lên kế hoạch mua các khoản tín dụng cho nhiên liệu hàng không bền vững để dùng trong việc đi lại trên các chuyến bay công tác thường xuyên của nhân viên công ty.

Theo dự kiến, Microsoft sẽ mua tín dụng từ công ty nhiên liệu SkyNRG của Hà Lan, sau đó, sẽ cung cấp nguồn nhiên liệu đốt sạch hơn từ công ty này cho Alaska Airlines. Alaska Airlines sẽ tiến hành khai thác các chuyến bay ít ô nhiễm (sử dụng nhiên liệu từ SkyNRG) giữa sân bay Quốc tế Seattle-Tacoma (gần trụ sở Microsoft) với các sân bay quốc tế khác như San Francisco, San Jose va Los Angeles.

Nguyên liệu mà SkyNRG cung cấp sẽ được sản xuất tại Mỹ từ dầu ăn đã qua sử dụng hoặc các loại dầu thực vật khác. Theo tuyên bố của hãng, loại nhiên liệu này khi đốt sẽ thải ra một lượng khí thải CO2 ít hơn đến 75% so với nhiên liệu truyền thống sản xuất từ dầu hỏa.

Đây là động thái mới nhất của Microsoft nhằm giải quyết các vấn đề phát thải nhà kính của họ. Vào đầu năm nay, hãng đã tuyên bố rằng họ đã và đang thực hiện các kế hoạch để trở thành công ty đầu tiên xóa bỏ dấu chân carbon vào năm 2030. Ngoài ra, Microsoft còn tuyên bố sẽ loại bỏ tất cả lượng khí thải CO2 mà tập đoàn này đã thải ra từ lúc thành lập đến nay ra khỏi môi trường vào năm 2050.

Judson Althof, Phó Chủ tịch Điều hành Kinh doanh thương mại toàn cầu của Microsoft cho biết: "Chúng tôi hy vọng mô hình nhiên liệu hàng không bền vững này sẽ được các công ty khác áp dụng để giảm tác động đến môi trường từ các hoạt động công tác của nhân viên."

Theo một bảng dữ kiện của Microsoft, lượng khí thải từ việc đi công tác của nhân viên chiếm khoảng 3% tổng lượng khí thải của hãng trong năm tài chính 2019. 3% nghe có thể ít, nhưng nó tương đương với 392,557 nghìn tấn CO2, gần bằng lượng khí thải mà 84,809 nghìn phương tiện chuyên chở có thể thải ra trong vòng một năm. Mặc dù chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng lượng khí thải nhưng khí thải từ những hoạt động công tác của công ty đã tăng đều qua các năm, tăng đáng kể từ năm 2017.

Không tính đến việc các chuyến bay bị cấm cửa trong đại dịch Covid-19 thì hàng không chính là một trong những nguồn phát thải khí nhà kính tăng nhanh nhất trên thế giới. Nếu ví ngành hàng không là một quốc gia, thì nó sẽ nhanh chóng lọt top 10 các quốc gia phát thải CO2 nhiều nhất trên thế giới. Chính vì những lo ngại này mà vào năm 2017, các nhà hoạch định đã khơi mào xu hướng tránh đi du lịch bằng máy bay trên toàn thế giới.

Đại dịch COVID-19 đã tàn phá ngành du lịch của thế giới trong năm nay, dẫn đến lượng khí thải trong ngành hàng không giảm gần 47% trong 7 tháng đầu năm 2020. Microsoft cho biết họ hiện vẫn để nhân viên đi công tác để phục vụ "các dịch vụ then chốt và doanh số", dự kiến hoạt động công tác sẽ tiếp tục tăng ngay sau khi COVID-19 lắng xuống.

Theo quyết định của Cơ quan Hàng không Liên hợp quốc và Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) vào đầu năm nay thì sau khi các chuyến bay được mở lại, các hãng hàng không sẽ phải giữ lượng khí thải ròng cho các chuyến bay quốc tế ở ngang mức 2019. Mặc dù việc cắt giảm số lượng chuyến bay vẫn sẽ là cách tốt nhất để giảm khí thải, nhưng sẽ gây khó cho các hãng hàng không và các hãng sử dụng dịch vụ hàng không thường xuyên như Microsoft, vì vậy họ vẫn đang nỗ lực xem xét các giải pháp thay thế. Nhưng việc dùng pin thì không thể đủ năng lượng cho các máy bay thương mại lớn được điện khí hóa, vì vậy, sử dụng nhiên liệu đốt sạch hơn hiện sẽ là lựa chọn tốt nhất để giảm ô nhiễm từ các chuyến bay.

Nhìn lại 2016, ICAO đã từng ước tính rằng nếu nhiên liệu bền vững được áp dụng cho toàn ngành hàng không thì đến năm 2050, lượng khí thải sẽ được cắt giảm đến 63%, và động thái mới của Microsoft sẽ là một phần nhỏ trong bức tranh giảm thiểu ô nhiễm này.

 

Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục