Trương Tam Phong được các hoàng đế nhà Minh sùng kính: Hai lời tiên tri và rất nhiều bí mật được hé lộ

Có lẽ ai trong chúng ta cũng đều cảm thấy rất đỗi quen thuộc với quý danh Trương Tam Phong – Trương Quân Bảo. Ông vẫn thường được nhắc đến trong sử sách Trung Hoa, hoặc trong các tác phẩm võ hiệp, phim truyền hình, điện ảnh… Trương Tam Phong được coi là tổ sư sáng lập ra Võ Đang phái, nổi tiếng với hai bộ pháp là ‘Thái Cực Quyền’ và ‘Thái Cực Kiếm’. Câu chuyện đời ông quả là có nhiều tình tiết ly kỳ…

Điều gì khiến các hoàng đế đời nhà Minh sùng kính Trương Tam Phong đến vậy?

Trương Tam Phong được biết đến là một huyền thoại võ thuật, từ đương đại cho đến hậu thế đều thấy ngưỡng mộ và tán thán như bậc ‘Chân Nhân’. Theo cổ thư miêu tả, Trương chân nhân là một người có hình thù cổ quái, tóc dài, râu rậm, mặt đỏ, môi thắm, ăn khỏe như cọp, đi nhanh như gió cuốn. Vậy rốt cuộc ông là người như thế nào mà có thể trở thành Chân Nhân? Liệu có phải Trương Tam Phong nổi tiếng chỉ đơn thuần là bởi vài đường quyền uyển chuyển, những đường kiếm mềm mại đẹp mắt đầy uy lực thôi không? Hay Trương Chân Nhân còn có những điều rộng lớn tinh thâm ở đằng sau mà người đời chưa biết đến?

Một cuộc đời nhuốm màu huyền thoại

Theo chính sử ghi lại, Trương Tam Phong tên thật là Trương Quân Bảo, tên chữ là Huyền Huyền Tử. Ông còn được gọi bằng rất nhiều danh hiệu khác như: Trương Toàn Nhất, Trương Thông, Trương lạp thác (Truong lôi thôi, cẩu thả)… Tổ tiên ông vốn là người ở Long Hổ Sơn tỉnh Giang Tây (Trung Quốc). Nơi đây được biết đến là miền Thánh địa, tổ tôn của Đạo giáo. Thân phụ của Trương Quân Bảo là một người rất tinh thông ‘Chiêm tinh thuật’ (xem thiên văn). Cuối thời Nam Tống, cha ông đem theo gia quyến di cư từ phương Bắc đến Liêu Dương, Ý Châu.

Có rất nhiều truyền thuyết kể về sự chào đời của cậu bé Trương Quân Bảo đầy huyền bí. Theo sách cổ ghi chép, vào ngày 9 tháng Tư năm 1247 đã xuất hiện một chuyện lạ. Minh Lục Tây Tinh – Hoàng Hải tạp ký chép: “Khi đang ngủ, Trương phu nhân (thân mẫu Trương Quân Bảo) nằm mộng thấy có vị Thần Tiên vẫy một con hạc tiên bay đến đậu trên nóc nhà. Tiên hạc kêu lên ba tiếng thất thanh khiến bà giật mình tỉnh giấc, thụ thai và sinh được một bé trai kháu khỉnh”. Đó chính là Trương Quân Bảo – Trương Tam Phong sau này.

Khi trưởng thành, Trương Tam Phong là một người có vóc dáng cao lớn, lưng úp như cái mai rùa, tai to, mắt tròn và sáng, bộ râu hình lưỡi kiếm. Điều đặc biệt là bất luận mùa đông giá rét hay mùa hạ oi nồng, Trương Tam Phong cũng chỉ khoác manh áo tơi. Khi có đồ ăn thì Trương có thể ăn hết cả một mâm cỗ đầy. Nếu không có gì ăn thì ông cũng có thể nhịn liền mấy ngày hoặc mấy tháng liền. Đôi khi, ông vân du khắp mọi nơi mà không biết đi về đâu, lại có khi đi bộ cả ngàn dặm, cười cười, nói nói một mình giữa nơi không người…

Vào một chiều cuối năm, khi đang thưởng ngoạn ở Kim Đài, Trương Tam Phong có linh cảm rằng mình sắp phải xa rời nhân thế. Ông liền ngâm nga một bài kệ, tiên tri về sự ra đi của mình và sự thay đổi của triều đại đương thời. Bài kệ có nội dung như sau:

“Nguyên khí mang mang phản thái thanh,
Hựu tùy chu tước hạ dao kinh.
Bác sàng thất nhật hồn lai phức,
Thiên hạ tề khán nhật nguyệt minh.”

Dịch nghĩa:

Nguyên khí mịt mờ không còn thanh khiết
Có chim chu tước bay đến cõi thần tiên
Người trên giường bảy ngày sau sẽ hồi sinh
Toàn thiên hạ đều dõi theo ánh sáng nhật nguyệt

Bài kệ này ngoài hàm ý nói về sự ra đi của mình, Trương Tam Phong có hàm ý rằng: Khí số nhà Nguyên đã tận, nhà Minh sẽ trở nên hưng thịnh. Nguyên diệt, Minh hưng là cục diện của lịch sử. Toàn thiên hạ đều dõi theo ánh sáng của Minh triều.

Bức chân dung của Trương Tam Phong được vẽ vào thời nhà Minh (ảnh miền cộng đồng).

Thần Huyền Vũ giúp Chu Nguyên Chương lập quốc

Trong trận chiến lịch sử tại hồ Bà Dương (một địa danh thuộc tỉnh Giang Tây), Chu Nguyên Chương dẫn hai mươi vạn thủy quân đối đầu với sáu mươi vạn đại quân của Trần Hữu Lượng, quyết chiến một trận sinh tử. Trong lúc hai bên đang giao tranh khốc liệt, bỗng nhiên trên mặt hồ có gió đông bắc nổi lên ầm ầm. Mượn gió bẻ măng, Chu Nguyên Chương thuận đà từ phương Bắc phóng hỏa tiễn. Chỉ trong chớp mắt hồ nước đã biến thành một màu lửa đỏ rực, thiêu rụi hàng trăm chiến thuyền khiến cho quân của Trần Hữu Lượng tướng sĩ tử thương quá nửa.

Nhiều năm sau, tại một ngôi miếu thờ Chu Nguyên Chương, Minh Thành Tổ Chu Đệ đã đề ngự bút lên một tấm bia. Ông viết: “Duy Bắc Cực thiên thượng đế chân vũ chi Thần, Kỳ hữu công đức vu ngã quốc gia giả đại hĩ”. Nghĩa là: Chỉ có vị thần Bắc Cực, là vị Thần võ thực sự đến từ thiên thượng, mới có đủ uy đức gây dựng nước nhà. Ông luôn luôn tin chắc một điều rằng, Thái Tổ Chu Nguyên Chương có thể dựng lập triều đại nhà Minh phần lớn là nhờ có Thần bảo hộ, cũng là thuận thiên ý.

Truyền rằng, Huyền Vũ đại đế (đại diện cho hướng Bắc, yếu tố Thuỷ) là vị chiến thần diệt trừ yêu ma. Cho nên không phải ngẫu nhiên mặt hồ bỗng dưng nổi gió Bắc. Phải chăng, đây ứng với lời tiên tri của Trương Chân Nhân là Thần Huyền Vũ đại đế hiển thánh, giúp chân mệnh thiên tử bình định thiên hạ? Chính Thần linh đã giúp Minh Thái Tổ mở ra một thiên sử mới trong lịch sử lập quốc về các triều đại của đất nước Trung Hoa.

Trương Tam Phong tiên đoán Võ Đang hưng thịnh

Vào thời điểm đó, ngôi đền Nam Long và Tử Tiêu cung bị phá hủy bởi chiến tranh. Trương Tam Phong đã dẫn theo các đệ tử của mình dọn dẹp lại những ngôi đền đổ nát và tôn tạo lại để chúng đệ tử cùng tu hành. Khi biết tin Trương Tam Phong ở trên núi Võ Đang, rất nhiều người đã kéo nhau lên núi xin theo ông tu hành.

Một ngày nọ, ông nói với một đệ tử của mình rằng: “Ngọn núi này rồi sẽ trở nên hưng thịnh, danh nổi khắp thiên hạ”. Ông dặn đệ tử của mình hãy gắng công tu hành, và gây dựng. Nói đoạn, Trương Tam Phong rời đi mau lẹ phi thường, không ai còn trông thấy dấu tích nữa.

Thần Huyền Vũ giúp Minh Thành Tổ đăng cơ

Minh Thành Tổ, khi ấy Yên Vương là một trong những chư hầu lớn mạnh nhất của nhà Minh khi ấy. Hoàng đế nhà Minh bấy giờ là Minh Huệ Đế (Chu Doãn Văn) nghe theo lời các quan lại triều đình muốn tước bỏ quyền lực của các phiên trấn. Các anh em của Yên Vương Chu Đệ đều bị tước hết binh quyền, kẻ còn người mất. Cảm thấy mình bị đe doạ nghiêm trọng, Chu Đệ đã dương cao ngọn cờ khởi nghĩa “Thanh quân trắc”, dấy binh tự cường. Trước lúc xuất quân, trong doanh trại đã xảy ra một sự việc kỳ lạ. Theo chính sử, Kiến Văn (niên hiệu của Minh Huệ Đế) năm thứ nhất, ngày 5/7/1399, khi đang tế cờ trước ba quân, bỗng nhiên mây đen mù mịt kéo đến che kín cả bầu trời. Những người lính đứng ngay cạnh nhau cũng không nhìn thấy mặt nhau. Chỉ thấy Minh Thành Tổ đứng xõa tóc, tay cầm kiếm, sừng sững hiên ngang như một vị Thần vĩ đại trên núi Võ Đang.

Yên Vương với sự hóa thân của Thần Huyền Vũ, khởi binh vỏn vẹn với không quá 800 quân trong tay, phải đối chọi với đại quân của triều đình trên 60 vạn. Đây quả là một cuộc chiến khốc liệt “lấy ít địch nhiều” có một không hai trong lịch sử. Sử cũ gọi đây là “Tĩnh Nan chi dịch” (chiến dịch Tĩnh Nan). Điều kỳ diệu là trong suốt cuộc chiến đã xuất hiện rất nhiều cơn cuồng phong, khiến cát bụi bay mù mịt, giúp cho quân của Yên Vương dần dần chiếm được thế thượng phong. Cuộc giao tranh kéo dài suốt 3 năm (1399 – 1402), cuối cùng Yên Vương đã công hạ được Nam Kinh, giành thắng lợi hoàn toàn. Ông lên ngôi Hoàng đế, khai sáng ra một triều đại mới lấy hiệu là “Vĩnh Lạc”, đã mở ra thời đại “Vĩnh Lạc thịnh thế” không thua kém gì “Thiên triều thịnh thế” dưới thời Đường Thái Tông, Đường Huyền Tông. Người đời gọi ông là ‘Vĩnh Lạc đại đế’, vị hoàng đế thứ ba của triều đại nhà Minh, đây cũng là triều đại phát triển đỉnh cao nhất về quyền lực.

Vĩnh Lạc năm thứ 9 đến năm thứ 22 (1411 – 1424), Minh Thành Tổ Chu Lệ đã sai người đem rất nhiều vật báu đến núi Võ Đang dâng tặng Trương Tam Phong. Nhưng cho dù mọi người đã tìm kiếm khắp nơi, Trương Tam Phong đều bặt vô âm tín. Một thời gian sau, Minh Thành Tổ lại phái Công bộ thị lang là Quách Tấn, Long Bình Hầu đốc thúc hơn 30 vạn phu sĩ, dựa theo câu chuyện tu hành của Huyền Vũ đại đế mà kiến tạo nên 9 cung điện, 8 kỳ quan và 33 tòa quần thể các cung điện làm ‘Hoàng gia miếu thất’ (miếu thờ hoàng gia), và ‘Trị thế huyền nhạc’ (nơi lo liệu việc trên núi) để tỏ lòng kính ngưỡng của hậu thế đối với Trương Tam Phong. Lời tiên tri “Núi Võ Đang sẽ nổi danh khắp thiên hạ” đến nay đã thực sự ứng nghiệm.


Trương Tam Phong trợ giúp nhiều đời quân vương của triều đại nhà Minh giữ yên bờ cõi
Trải qua phong ba tuế nguyệt, núi Võ Đang vẫn là thánh địa nguy nga tráng lệ ‘Tiên sơn quỳnh các’. Minh Thành Tổ cũng hết sức ngưỡng mộ Trương Chân Nhân, nên hết sức chú ý xây dựng các công trình có quy mô vĩ đại ở trên núi. Có thể nói, Minh Thành Tổ là vị Hoàng đế sùng kính Đạo giáo nhất mọi thời đại.

Vĩnh Lạc năm thứ 14, quan đại thần Hồ Quảng lại được lệnh tiếp tục tìm kiếm Trương Chân Nhân. Ngay khi nhận được chiếu chỉ, ông đã vô cùng hoảng hốt và sợ hãi, vội vã đến núi Võ Đang ngày đêm ra công tìm kiếm. Hồ Quảng khóc lóc, thắp hương khẩn cầu Trương Tam Phong xuất hiện. Trước đó Trương Tam Phong đã khước từ ý nguyện của hai đời vua triều Minh. Nhưng sự thành kính của quân thần Minh triều cuối cùng đã cảm thiên, động địa. Cuối cùng Trương Tam Phong đã xuất hiện và đồng ý phụng chỉ hồi kinh.

Trong khi Hồ Quảng quay trở về chưa được nửa quãng đường thì Trương Tam Phong đã diện kiến Hoàng đế tại Kim Loan điện ở Bắc Kinh. Minh Thành Tổ nhận ra người này chính là Trương Tam Phong rất lấy làm vui mừng, cung kính thỉnh giáo Đạo pháp. Trương Tam Phong liền ngâm xướng một danh khúc mang tên “Phóng Đạo cầu huyền tẩu tận thiên nhai” (muốn cầu Đạo hãy đi đến tận nơi phía chân trời). Đây là một bài ‘Đạo giáo tiên ca’. Hát xong, Trương Chân Nhân thong dong bước xuống đại điện, phi thăng rời đi nhanh như tia chớp, chỉ còn lưu lại một áng mây bảy màu, tỏa hào quang rực rỡ suốt một thời gian dài rồi mới tiêu tan. Minh Thành Tổ cùng các quần thần đều khen là kỳ lạ. Kể từ đó vua tôi nhà Minh càng tin tưởng một điều chắc chắn rằng, trên thế gian thực sự có Thần tiên tồn tại.

Đáp lại lòng thành kính của các hoàng đế nhà Minh đối với Đạo, thi thoảng Trương Tam Phong lại xuất hiện khuyên nhủ đế vương ‘cần chính ái dân’ (chăm lo việc triều chính, thương yêu nhân dân). Vào giữa triều đại nhà Minh, dưới thời trị vì của Minh Anh Tông, vị vua duy nhất trong lịch sử có hai lần đăng quang. Minh Anh Tông hữu duyên được diện kiến Trương Tam Phong, tướng mạo của Chân Nhân sau bao nhiêu năm vẫn không hề thay đổi. Trương Tam Phong đã truyền cho Minh Anh Tông cách tự tu luyện, cải tà quy chính. Về sau Minh Anh Tông tu hành đắc Đạo và đã biến mất trong đại điện của mình một cách bí ẩn.

Tương truyền rằng vào thời nhà Đường, Hoàng đế Hy Tông những năm đầu trị vì, do việc triều chính không thuận lợi nên đã lập đàn trong cung điện cầu tiên và may mắn được hạnh kiến Trương Tam Phong. Vua Hy Tông làm lễ bái tạ rồi nói: “Chân tiên giáo ngã, Chân tiên hộ ngã” (xin Thần tiên chỉ dạy cho ta, Thần tiên hãy phù hộ cho ta). Ông đã được Trương Chân Nhân dùng mật ngữ chỉ điểm thoát khỏi bến mê.

Để bày tỏ lòng thành kính đối với Trương Tam Phong, người đã khai sáng con đường tu Đạo, các vị hoàng đế đã phong tặng ông rất nhiều danh hiệu cao quý. Minh Anh Tông phong ông là “Thông Hiển Hóa Đại Chân Nhân”. Minh Hiến Tông phong ông là “Thao Quang Thượng Chí Chân Tiên”. Minh Thế Tông phong ông là: “Thanh Hư Nguyên Diệu Chân Quân”. Minh Hy Tông phong ông là: “Phi Long Hiển Hóa Hoành Nhân Tế Thế Chân Nhân”.

Sử sách của nhà Minh viết về ông như sau: “Chung mặc trắc kỳ tồn vong dã” (Nói chung không thể đoán biết được sự tồn vong vậy). Nói như vậy, hành tung của Trương Tam Phong quả thực rất bí ẩn, không ai hay biết được một cách minh xác rằng ông thực sự sống ở thời đại nào và bai nhiêu tuổi.

Theo Sound Of Hope

Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục