Vị hoàng đế vĩ đại nhất Trung Hoa mang tiếng xấu ngàn năm

Không phải Tần Thủy Hoàng hay Lưu Bang, có một vị hoàng đế thời nhà Đường được người đời sau đánh giá là hoàng đế vĩ đại nhất Trung Hoa, nhưng ông cũng mang nhiều tiếng xấu.

Đường Thái Tông – hoàng đế vĩ đại nhất lịch sử Trung Hoa được coi là người đã đưa Trung Hoa bước vào giai đoạn cực thịnh mà không có triều đại nào sánh được. Loạt bài này sẽ đề cập nhiều khía cạnh con người vị hoàng đế được người Trung Quốc kính nể đến tận ngày nay.

Vị hoàng đế vĩ đại nhất Trung Hoa mang tiếng xấu ngàn năm - 1

Đường Thái Tông được coi là vị vua vĩ đại nhất trong lịch sử phong kiến Trung Quốc.


Đường Thái Tông Lý Thế Dân là vị Hoàng đế thứ hai của Nhà Đường trong lịch sử Trung Quốc. Ông là người có công khuyên cha dấy binh lật đổ nhà Tùy, nên về sau được coi như khai quốc hoàng đế của nhà Đường.

Dưới thời Đường Thái Tông, Trung Quốc đạt đến đỉnh cao về kinh tế, quân sự, lãnh thổ rộng lớn nhất thế giới thời bấy giờ. Đường Thái Tông sau này được nhớ đến là vị hoàng đế vĩ đại nhất Trung Hoa, nhưng ông cũng gây ra nhiều tai tiếng.

Hoàng đế mang tiếng xấu muôn đời

Lý Thế Dân không phải con trưởng, dĩ nhiên không thể nghiễm nhiên trở thành thái tử nối ngôi cha. Ông gây ra sự kiện Huyền vũ môn, sát hại anh trai và cả em ruột để độc bá ngôi hoàng đế.

Năm 626, biết anh trai Lý Kiến Thành có kế hoạch mượn tay vua cha trừ khử mình đề phòng hậu họa, ông đã ra tay trước. Lý Thế Dân cùng các thủ hạ bí mật mai phục ở cổng vào Huyền vũ, chờ khi Thái tử Lý Kiến Thành và Hoàng tử Lý Nguyên Cát bước ra là liền xông tới giết chết.
Một ngày sau, hoàng đế Lý Uyên ban chiếu lập Lý Thế Dân làm Thái tử. Hai tháng sau buộc phải nhường ngôi, lùi về làm Thái thượng hoàng. Không chỉ hại chết anh trai và em ruột, Lý Thế Dân còn ra lệnh giết sạch cả gia đình hai anh em để trừ hậu họa.

Vị hoàng đế vĩ đại nhất Trung Hoa mang tiếng xấu ngàn năm - 2

Đường Thái Tông mở ra giai đoạn thịnh vượng của Trung Hoa.

Sử sách Trung Quốc chép rằng, chỉ có một người phụ nữ duy nhất sống sót. Đó chính là Dương Khuê My – vợ của Lý Nguyên Cát, em trai Lý Thế Dân.

Dương Khuê My là mỹ nhân đàn hay, hát giỏi nổi tiếng thành Trường An lúc bấy giờ. Sống sót sau cuộc thanh trừng đẫm máu, Dương Khuê My được đưa vào hậu cung hầu hạ Lý Thế Dân.

Các sử gia Trung Quốc sau này luôn nhắc lại sự kiện này, rằng Lý Thế Dân vừa giết chết kẻ tranh ngôi báu, vừa cướp được mỹ nữ từ tay em trai.

Hoàng đế vĩ đại bậc nhất Trung Hoa

Theo china.org.cn, gây tiếng xấu là vậy, nhưng Đường Thái Tông vẫn được đánh giá là hoàng đế vĩ đại nhất trong lịch sử Trung Hoa. Đó là bởi hoàng đế thứ hai của nhà Đường đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra một triều đại cường thịnh, mở rộng lãnh thổ về phía tây.

Đường Thái Tông có nhiều đức tính mà người đời sau vẫn khắc ghi thành bài học. Đầu tiên, Đường Thái Tông được coi là vị hoàng đế có năng lực chọn người, dùng người tài tình.

Vị hoàng đế vĩ đại nhất Trung Hoa mang tiếng xấu ngàn năm - 3

Đường Thái Tông được coi là hoàng đế hiếm có trong lịch sử Trung Hoa.

Năng lực này được tóm lược bằng một câu: “Lắng nghe lời khuyên, trọng dụng người tài, cung kiệm tiết dùng, khoan hậu yêu dân”.

Cũng bởi ông rất giỏi trong việc phát hiện và trọng dụng hiền tài, nên triều đại nhà Đường có vô số nhân tài góp sức xây dựng đất nước.

Trong số những nhân tài phụng sự cho Lý Thế Dân, vị quan tên Ngụy Trưng chính là một người không ngần ngại nói thẳng những khuyết điểm của hoàng đế. Ông từng chỉ đích danh 10 sai lầm khiến Đường Thái Tông phải tâm phục, khẩu phục.

Sau này, Đường Thái Tông luôn bỏ qua những lời trách móc nặng nề ấy để trọng dụng Ngụy Trưng.

Thứ hai, Đường Thái Tông là vị hoàng đế phong chức tước không màng thân thế, quá khứ. Khi còn tại vị, Thái Tông chọn hiền tài không bao giờ bàn đến thân thế, né tránh kẻ có oán thù, không thiên vị.

Đường Thái Tông đã phá bỏ rào cản về thành kiến dân tộc. Ông sẵn sàng tuyển chọn nhân tài có xuất thân là dân tộc thiểu số, không phải người Hán.

Vị hoàng đế vĩ đại nhất Trung Hoa mang tiếng xấu ngàn năm - 4

Hình tượng hoàng đế Trung Quốc Đường Thái Tông Lý Thế Dân trong phim truyền hình Trung Quốc.

Năm Trinh Quán thứ 6, ông phong tù trưởng Khiết Hà Lực của tộc Thiết Lặc làm Tướng quân. Năm Trinh Quán thứ 14, ông phong cho A Sử Na Trung của tộc Đột Quyết làm Đại tướng quân.

Thứ ba, trong những năm trị vì, Đường Thái Tông luôn đặt người dân lên hàng đầu, bởi "dân là vốn của nước, vốn có chắc, nước mới an”.

Chứng kiến sự sụp đổ của nhà Tùy vì khởi nghĩa nông dân, Đường Thái Tông hiểu rằng tầng lớp nông dân sẽ trở nên hết sức đáng sợ, nếu họ không được đối đãi đúng mực.

Thứ tư, theo sử sách thời nhà Đường, mỗi lần đích thân ra trận, Đường Thái Tông luôn là người xung phong lên trước, bất kể gian nguy. Có lần, 500 kỵ binh của ông bị quân địch bao vây, may mắn được tướng lĩnh dưới quyền, kịp ứng cứu thoát khỏi vòng vây.

Có thể nói, trong 23 năm nắm quyền, Đường Thái Tông đã tạo ra một giai đoạn hòa bình, thịnh vượng đối với Trung Hoa, đưa nhà Đường trở thành một trong những thế lực mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ.

Theo Dân Việt.

Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục