Harrison: Cô học trò AI đầu tiên của các bác sĩ Việt Nam

Chị từng làm giám đốc Facebook Việt Nam, tổng giám đốc GoViet trước khi chuyên tâm đi hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp mới. Kiều Trang gửi cho Khoa học Phát triển câu chuyện của một công ty khởi nghiệp Việt tại Úc.

Harrison là công ty AI trong lĩnh vực y tế. Ảnh: Harrison.

Cũng khoảng 4 năm nay, hai vợ chồng mình bắt đầu đầu tư vào các công ty công nghệ qua quỹ đầu tư Alabaster. Từ khi hai đứa con, Mary và Manny, bắt đầu lớn hơn một chút và mình thôi không còn đi làm ở các công ty công nghệ, mình có thời gian để tham gia điều hành trong số rất ít các công ty mình đầu tư, vừa hỗ trợ các bạn founders, vừa đẩy công ty đi nhanh hơn bằng kinh nghiệm và nguồn lực mình đã có.

Harrison là công ty đầu tiên mình chọn tham gia điều hành như thế. Lúc tìm ra công ty này tại Úc với nhiều ưu thế vượt trội hơn các công ty AI tương tự trên thế giới, anh Sơn – ông xã và nhà đồng sáng lập - nói rằng hai bạn founders là du học sinh người Việt, mình cứ ngờ ngợ không tin, vì nghĩ nếu là du học sinh, chắc mình cũng phải biết rồi. Đến khi gặp Trí và Áng, mình mới vỡ lẽ hai bạn là con của thầy Trần Đức Huyên, là thầy dạy Toán của mình năm lớp 12 ở trường Lê Hồng Phong, và sau này là Hiệu Phó của trường đến lúc về hưu.

Lúc học với thầy, sáng sáng mình nhớ thầy hay chở Trí đi học ở trường chuyên Nguyễn Du Q1, còn Áng lúc đó mới 3 tuổi, cô hay đút cháo ở dưới nhà mỗi khi mình qua học. Thấm thoắt 20 năm sau khi gặp lại, hai bạn đã là những thanh niên trí thức tài năng, sống mẫu mực và có hoài bão, thấp thoáng hình ảnh của thầy Huyên và thầy Tâm (em trai của thầy Huyên), đều là những người thầy tâm huyết mà mình vô cùng quý mến. Cũng như thầy Huyên, là người hiếm hoi dạy Toán cho lớp học sinh năng khiếu chuyên Toán mà vẫn dạy Toán rất hay cho học sinh lớp không chuyên/ lớp thường, (bao gồm nhiều học sinh mất căn bản), hai bạn Trí Áng thừa hưởng cách tiếp cận vấn đề rất bài bản, hệ thống hóa kiến thức rất tốt, và lúc đó đã đưa ra một phương pháp để từ hàng triệu hình ảnh X-Quang, CT, MRI… có thể dạy máy tính chẩn đoán hình ảnh bằng trí tuệ nhân tạo.

Harrison hội tụ rất nhiều ưu thế để trở thành một công ty thành công vượt trội trong lĩnh vực AI/ medtech (mà mình sẽ chia sẻ ở một bài khác cho các bạn startup muốn học hỏi kinh nghiệm), nhưng điều kéo mình vào tham gia điều hành với vị trí Chủ tịch là vì mình tin Harrison sẽ mở ra những cơ hội R&D tuyệt vời cho các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh, tương tự những cơ hội mà Misfit đã đem đến cho các kỹ sư công nghệ ở VN trước đó. Năm 2012, lúc Misfit về VN để tuyển kỹ sư, hầu hết các công ty công nghệ ở VN chủ yếu chỉ làm gia công, thế giới sáng tạo ra sản phẩm từ A-Z hầu như chưa có, và ngay cả khi làm ra sản phẩm hay/đặc biệt, các công ty VN cũng không có khả năng đem sản phẩm bán ra thế giới. Các bạn kỹ sư vì vậy chỉ có cơ hội làm theo đơn đặt hàng gia công, hiếm khi có cơ hội đưa ra ý tưởng, xây dựng sản phẩm, hoặc nếu có làm ra sản phẩm, những sản phẩm này nhanh chóng tàn lụi vì không có thị trường.

AI (Trí tuệ nhân tạo) có lẽ còn là từ khóa mơ hồ với nhiều người ở Việt Nam, nhưng nói nôm na, khi máy tính có khả năng xử lý khối lượng thuật toán rất lớn trong thời gian rất ngắn, con người sẽ dựa vào big data (những kho dữ liệu khổng lồ) để dạy cho máy tính bằng hàng triệu những ví dụ, và AI là cô học trò học “không sót chữ nào”, qua thời gian sẽ có thể làm những công việc này tương tự như con người. Harrison đã có trong tay lượng dữ liệu lớn, nếu đem về VN cho các BS chẩn đoán hình ảnh “dạy” máy tính, các bác sĩ VN sẽ có cơ hội bước qua lĩnh vực medtech, bên cạnh công việc lâm sàng thường ngày ở bệnh viện. Trí Áng và mình đều cùng chia sẻ suy nghĩ và nhìn thấy ý nghĩa của công việc này khi đem về VN.

Cuối tháng 11, mình bắt đầu đi gặp các bác sĩ đầu tiên, giải thích với từng người một AI là gì, công việc Harrison làm là gì, và tại sao các bác sĩ nên thử tham gia sau giờ làm việc ở bệnh viện. Các bác sĩ lúc đầu cũng nghi ngại, nhưng vẫn tò mò, và có lẽ ai cũng muốn thử sức vì đâu đó người trí thức VN nào cũng mơ hồ biết mình có khả năng làm được nhiều điều hơn những cơ hội hiện có ở VN. Vậy là từng bác sĩ đồng ý tham gia với Harrison. Càng tham gia dạy máy, các bác sĩ càng thấy thú vị với công nghệ, càng thấy chuyên môn lâm sàng được củng cố khi hệ thống AI phản hồi một cách khách quan về những đóng góp của bác sĩ. Mình không còn phải đi thuyết phục từng bác sĩ nữa, mà chính các bác sĩ trở thành những đại sứ tâm huyết nhất cho Harrison.
Tháng 4/2020, tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp, TPHCM quyết định giãn cách xã hội. Các bác sĩ nín thở chuẩn bị cho tình huống xấu nhất, nhưng bệnh viện và các phòng khám vắng tanh. Công ty hết tốc lực chuyển hệ thống sang làm việc từ xa, đóng cửa văn phòng. Vậy mà mọi thứ rồi cũng qua. Sau 6 tháng, sản phẩm đầu tiên “chẩn đoán X-quang lồng ngực bằng AI” đã ra đời, tên là Annalise, cô học trò AI đầu tiên của các người thầy bác sĩ Việt Nam.

6 tháng là thời gian vô cùng ấn tượng để cho ra đời một sản phẩm AI với tính năng rất ưu việt, mà hy vọng trong một ngày không xa, tập thể Harrison sẽ hết sức tự hào ra mắt với cộng đồng. Nhưng 6 tháng với tập thể Harrison là khoảng thời gian nhiều kỷ niệm, không thể nào quên.

Tối hôm qua, công ty tổ chức buổi tiệc tổng kết, cả Trí, Áng và mình đều không thể tham dự vì không có chuyến bay về Việt Nam, chỉ có thể tham dự cùng mọi người qua Zoom, nhưng không khỏi xúc động lắng nghe những kỷ niệm của các bác sĩ trong hành trình “dạy máy”. Trong lòng mình bồi hồi nhiều cảm xúc về những người thầy. Thầy Huyên, bố của Trí và Áng, thầy của mình, và thầy của nhiều anh chị em bác sĩ của Harrison, đại diện tham dự. Thật đáng quý những người thầy đã ươm mầm trí thức, ươm mầm nhân cách và khát vọng cho các thế hệ học sinh. Việt Nam vốn quý nhất là con người. Misfit đã khép lại, Harrison.ai Vietnam Radiologists lại mở ra với hành trình chinh phục mới cho các bác sĩ, thật không có gì mãn nguyện hơn.

Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục