Gà có thực sự kém thông minh như con người nghĩ?

Gà là một loài động vật luôn bị cho là không biết suy nghĩ, nhưng chúng thực sự rất thông minh và thậm chí có thể đồng cảm với đồng loại, theo các nghiên cứu khoa học.

 

Trên toàn thế giới hiện nay có tới hơn 19 tỷ con gà, theo BBC, khiến chúng trở thành một trong những loài vật có xương sống nhiều nhất hành tinh.

Con người có một giả định khá kỳ lạ về gà. Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng chúng là động vật không thông minh, không có đặc điểm tâm lý phức tạp của động vật bậc cao như khỉ và vượn. Tuy nhiên, trên thực tế, gà không hề ngu như mọi người nghĩ.

Gà thực sự thông minh và thậm chí còn khá nhạy cảm với đồng loại. Chúng có thể đếm hay tự nhận thức, theo một số nghiên cứu khoa học.

Một nghiên cứu bởi nhà khoa học Rosa Rugani và các đồng nghiệp tại Đại học Padova, Ý đã chứng minh điều này. Làm việc với những con gà mới nở, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng gà có thể đếm và thực hiện các phép tính số học cơ bản.

 

Trong thí nghiệm, gà con được ấp cùng 5 vật thể nhỏ bằng nhựa. Sau vài ngày, trước mặt những con gà, các nhà khoa học giấu 3 vật thể đằng sau một tấm màn và 2 vật thể còn lại sau tấm màn khác. Kết quả là, những con gà có xu hướng tiến gần đến tấm màn giấu nhiều vật thể hơn.

Một thí nghiệm ngay sau đó cũng được tiến hành để kiểm tra trí nhớ và khả năng cộng trừ của gà con. Sau khi các vật thể được giấu đằng sau hai tấm màn, các nhà khoa học bắt đầu dịch chuyển các vật thể giữa hai màn trước mặt gà con. Dường như chúng theo dõi số lượng vật thể bị thay đổi, và cuối cùng, vẫn tiến về hướng tấm màn che giấu nhiều vật thể hơn.

Nhà khoa học Rugani nghĩ rằng đây có thể là đặc điểm của nhiều động vật bậc cao, không chỉ riêng gà. "Những khả năng này sẽ giúp động vật trong môi trường tự nhiên, ví dụ để lấy được nhiều thức ăn hơn, tìm một nhóm đông hơn”, cô nói.

 

Gà cũng có thể có khả năng tưởng tượng những gì sẽ xảy ra trong tương lai, theo một nghiên cứu năm 2005 do Siobhan Abeyesinghe, Đại học Bristol , Vương quốc Anh, dẫn đầu.

Abeyesinghe cho phép những con gà thí nghiệm chọn giữa 2 chìa khóa. Chìa khóa 1 cho phép “mở cửa” phòng thức ăn ít hơn sau 2 giây trì hoãn. Chìa khóa 2 cho phép “mở cửa” phòng thức ăn nhiều hơn sau 6 giây trì hoãn.

Phần lớn những con gà đều mổ chìa khóa thứ 2, giúp chúng nhận được nhiều thức ăn hơn nhưng phải đợi lâu hơn. Điều này cho thấy gà có khả năng tự kiểm soát, đặc điểm mà một số nhà sinh vật học cho rằng là dấu hiệu của sự tự nhận thức.

Ngoài ra, cũng có nhiều nghiên cứu cho thấy gà thể hiện một hình thức thô sơ của sự đồng cảm.

Trong một loạt nghiên cứu suốt 6 năm qua, Joanne Edgar tại Đại học Bristol, Vương quốc Anh và các cộng sự đã nghiên cứu cách gà mái phản ứng khi chứng kiến gà con bị thổi khí vào người. (Gà mẹ trước đó cũng trải nghiệm việc này và thể hiện sự hơi khó chịu).

Khi gà con bị thổi khí, tim của gà mẹ bắt đầu đập nhanh và kêu gọi gà con nhiều hơn. Tuy nhiên, gà mẹ không làm như vậy nếu gà con không thể hiện sự khó chịu.

Trong một nghiên cứu khác được công bố vào năm 2013, những con gà mái cũng được đặt vào 2 hộp, một hộp có thổi khí khó chịu và một hộp an toàn không thổi khí. Một lần nữa, gà mái cho thấy dấu hiệu của sự quan tâm khi gà con bị đặt vào trong hộp thổi khí, ngay cả khi gà con không thể hiện bất kì sự khó chịu nào vì không biết gì về 2 hộp.

 

Các dấu hiệu về sự đồng cảm của gà đặt ra một câu hỏi nghiêm túc về việc chăn nuôi gà hiện nay, theo BBC.

Lori Marino, đến từ trung tâm Vận động về Động vật Kimmela ở Utah, Mỹ, nghĩ rằng đã đến lúc để con người thảo luận kĩ hơn câu hỏi trên.

“Vì loài người ăn gà nên có xu hướng bác bỏ sự thông minh và nhạy cảm của gà, càng thúc đẩy niềm tin cho rằng gà không nhận thức được và không thông minh”, theo Marino.

Nói tóm lại, sự thật về loài gà là chúng đã tiến hóa về nhận thức nhiều hơn mọi người nghĩ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu người tiêu dùng có thay đổi thói quen mua sắm của họ tại quầy thịt, kể cả khi họ biết về điều này hay không.

Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục