Ba quyển sách hay về nông nghiệp nên đọc trong đời

Con người trong cuộc sống hiện đại này, tiếp cận cuộc sống qua nhiều phương tiện. Nhưng cũng chính trong cuộc sống ấy,càng ngày càng nhiều người loay hoay với câu hỏi Mình sinh ra để làm gì? Phát triển là gì? Như thế nào là phát triển? Chẳng phải chúng ta đang phá hủy nhiều hơn và đòi hỏi nhiều hơn những thứ thật sự cần thiết sao? Cái gọi là “lạc hậu” giờ cũng cho thấy ẩn trong nó là nhiều điều bền vững. Quan trọng là chúng ta nhận thức được điều gì là bền vững. Những quyển sách hay về nông nghiệp này không chỉ mang đến cho người đọc những kiến thức về nông nghiệp mà còn gửi gắm các triết lý về cuộc sống, con người và xã hội.

Cuộc Cách Mạng Một – Cọng – Rơm

“Cuộc Cách Mạng Một – Cọng – Rơm” là cuốn sách nổi tiếng của Mansanobu Fukuoka, người khai sinh nông nghiệp tự nhiên của Nhật Bản và thế giới. Cuốn sách (đã được dịch ra 25 thứ tiếng) không chỉ là sự trải nghiệm về cách thức nuôi trồng các sản phẩm nông nghiệp trong sự tương tác hài hòa với môi trường tự nhiên mà còn đem đến cho người đọc những suy tưởng thú vị về triết học, về ăn uống, về y học và cuộc sống.

Có thể gọi ông Masanobu Fukuoka, tác giả cuốn sách, là người nông dân vĩ đại nhất hành tinh cũng không có gì là lạm dụng từ ngữ. Ông là người đạt đến cảnh giới vô vi trong nông nghiệp và là vị sư tổ của nông nghiệp tự nhiên.

Nhưng bạn không nên để tựa đề cuốn sách đánh lừa. “Cuộc cách mạng một – cọng – rơm”, nhưng chẳng có “cuộc cách mạng” nào ở đây cả. Cuốn sách chỉ là những ghi chép của một người làm nông khiêm nhường rón rén trước thiên nhiên vườn ruộng, như thể mỗi một từ được viết ra tác giả đều sợ làm tổn thương đất đai cây cỏ.

Bạn cũng sẽ thất vọng nếu có ý định tìm trong cuốn sách này những tri thức về nông nghiệp, dù là nông nghiệp hữu cơ hay nông nghiệp tự nhiên. Bởi vì đối với ông Fukuoka, tri thức là hữu hạn, còn thiên nhiên cây cối là vô cùng, cái hữu hạn không thể thâu tóm được cái vô cùng.

Cuốn sách cũng không nhằm góp phần làm đa dạng hóa kiến thức của bạn về thiên nhiên và cuộc sống. Bạn sẽ thấy tác giả của nó không hề có ý định như vậy

Trong kho tàng sách vở của nhân loại, trừ cuốn Pháp bảo đàn kinh của Lục tổ thiền tông Huệ Năng, hiếm có cuốn sách nào như cuốn sách này, khi mà tác giả không hướng người đọc theo tư tưởng và quan niệm của người viết sách mà hướng người đọc vào chính bản thân họ trong mối quan hệ tương tác với môi trường sinh ra và nuôi dưỡng họ.

Viết về nông nghiệp nhưng ông Fukuoka không để người đọc dính mắc vào các kiến thức trồng trọt và chăn nuôi, cũng không dính mắc vào chính cuốn sách của ông. Người ta bảo phương pháp Fukuoka là thiền trong nông nghiệp là vì vậy.

Đọc cuốn sách này và gấp nó lại, bạn sẽ không còn nghĩ ông Fukuoka đã viết những gì, nhưng bạn sẽ nhận ra vô số những điều mà trước đây do những tri thức học ở sách vở, trong trường lớp đã biến thành định kiến trong đầu bạn khiến cho bạn không nhận ra. Bạn sẽ nhìn cái cây không phải là giống thực vật vô tri được mô tả trong sách trồng trọt mà là cái cây có tâm hồn. Bạn sẽ thú vị nhớ lại, trong câu chuyện cổ tích Một người mẹ, nhà văn Andersen đã từng bảo mỗi một cái cây đều có một số phận, mỗi cái cây đều có một trái tim. Và bạn sẽ hiểu vì sao ông Fukuoka lại nói chỉ có những đứa trẻ mới nhìn được thiên nhiên như thiên nhiên vốn có.

Gieo Mầm Trên Sa Mạc

“Chẳng hề có tốt hay xấu trong số những dạng sống trên trái đất này. Mỗi giống loài đều có vai trò của nó, đều cần thiết và có giá trị ngang nhau.”

“Bước đầu tiên chúng ta phải thực hiện trong việc chống lại sa mạc hóa không phải là bẻ hướng dòng chảy của các con sông, mà là khiến cho mưa lại rơi xuống, việc này liên quan tới tái lập thảm thực vật.”

“Nước mà các sinh vật không còn sinh sống trong đó được nữa thì không còn thực là nước. Đất mà không có cỏ, thì mặc dầu có được gọi là đất trồng nó cũng không phải thực là đất trồng. Đất mà không có cỏ sẽ đánh mất sự kết nối của nó với nước và trở nên khô rang.”

“Một cái cây chẳng thể mọc lên một mình. Chúng ta cần trồng những cây cao, cây cỡ vừa, những cây bụi và cây dưới tán sinh sống cùng với nhau. Một khi hệ thực vật đa loài được tái tạo thì mưa sẽ bắt đầu rơi trở lại.”

Con Đường Thoát Hạn

Nhắc đến Israel, người ta sẽ nghĩ ngay đến tinh thần “khởi nghiệp” của những người dân Do Thái bất diệt, bền bỉ. Dù ngoại cảnh có hỗn loạn đến đâu, dù thiên nhiên không ưu đãi cho họ nhiều điều kiện thuận lợi, Israel vẫn vươn lên mạnh mẽ qua biết bao hành trình khó khăn, khắc nghiệt từ những ngày đầu phục quốc cho đến khi xây dựng đời sống xã hội. Câu chuyện về “Quốc gia khởi nghiệp” Israel lại được kể tiếp trong những trang văn giản dị chứa đựng những thông điệp lớn lao trong tác phẩm “Con đường thoát hạn” – một anh hùng ca về “thung lũng Silicon” của thế giới.

Không giống như Việt Nam, Israel không sở hữu nguồn tài nguyên nước dồi dào và hệ thống sông ngòi, kênh rạch phong phú – mà ngược lại, có tới 60% diện tích là hoang mạc, lại bị bao vây ba bề bốn bên bởi những quốc gia thù địch. Thế nhưng, người Israel đã tìm ra cách tự “sản xuất” ra nước thông qua những biện pháp sáng tạo và liều lĩnh. Đó là Nước sạch được khử mặn từ nước biển, là nước lợ đã qua một hệ thống lọc phức tạp, thậm chí là nước thải sinh hoạt (nước cống) được xử lý tinh vi để có thể dùng tưới tiêu cho nông nghiệp hay cho những mục đích sinh hoạt thông thường khác… Năm 2013, người Israel đã tuyên bố : nguồn nước của họ không còn phụ thuộc vào thiên nhiên nữa ! Nước chính là cứu cánh, là phép màu mở ra cánh cửa nông nghiệp, kinh tế, ngoại giao cho Israel. Israel hiện sản xuất nước dư thừa cho nhu cầu nội tại và còn xuất khẩu đều đặn 24/7 sang cho các nước láng giềng, Palestine và Jordan, là vũ khí hòa bình của Israel cho tình trạng đối đầu Iran-Israel, Israel-Trung Quốc và một số các quốc gia khác, trở thành một « ngành kinh doanh toàn cầu », đòn bẩy cho kinh tế Israel phát triển.

Bằng những nghiên cứu tỉ mỉ và với hàng trăm cuộc phỏng vấn, Siegel đã mô tả sinh động cách mà Israel đã vượt qua các cuộc khủng hoảng nước của riêng mình, biến bất lợi thành lợi thế, đồng thời hỗ trợ các quốc gia khác trong việc xử lý và bảo tồn nguồn nước. Với 12 chương sách được bố cục một cách khoa học, cuốn sách kể về cả một lịch sử và hành trình thần kỳ của Israel trong hành trình chinh phục thiên nhiên, mang đến cho bạn những góc nhìn bao quát, một tư duy nhất quán, là kim chỉ nam về một nền quản trị nước đầy trí tuệ.

Cũng như lời của Shimon Tal, nguyên chủ nhiệm Ủy ban Nước Israel đã nói: “Cách thức quản lý nước của một quốc gia nói lên nhiều điều về quốc gia đó.”, đây là câu chuyện không chỉ dành cho những người nghiên cứu về thủy lợi và nông nghiệp, nó còn là câu chuyện dành cho tất cả những người quan tâm về việc kiến tạo một tương lai phát triển và bền vững cho đất nước.

Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục