NASA phát hiện dấu vết của sự sống cổ đại trên sao Hỏa

Robot thăm dò Curiosity của NASA phát hiện carbon hữu cơ tồn tại trên sao Hỏa, mở đường cho hành trình tìm kiếm sự sống ở hành tinh đỏ.

Robot Curiosity khoan lỗ sâu 5 cm trên lớp đá sao Hỏa. Ảnh: NASA.

Robot Curiosity khoan lỗ sâu 5 cm trên lớp đá sao Hỏa. Ảnh: NASA.

NASA công bố bằng chứng thuyết phục đầu tiên về sự hiện diện của các phân tử hữu cơ lớn trên bề mặt sao Hỏa trong buổi họp báo diễn ra vào 1 giờ sáng nay theo giờ Việt Nam tại trụ sở chính ở Washington DC, National Geographicđưa tin. Theo nghiên cứu đăng trên tạp chí Science, những kiểm tra trước đây hé lộ dấu vết của vật chất hữu cơ, nhưng chất clo tìm thấy trong bụi sao Hỏa khiến việc lý giải kết quả trở nên phức tạp.

"Khi bạn làm việc với một vật phi thường như robot thăm dò sao Hỏa, thiết bị phức tạp nhất từng được đưa vào vũ trụ, có vẻ như chúng tôi đang thực hiện những gì từng được cho là bất khả thi trước đây. Tôi làm việc với một đội tuyệt vời và chúng tôi đã phát hiện rất nhiều thứ trên sao Hỏa", trưởng nhóm Jennifer Eigenbrode, nhà nghiên cứu hóa sinh ở trung tâm Goddard của NASA, chia sẻ.

Dữ liệu mới nhất từ robot Curiosity cho thấy hồ nước từng lấp đầy miệng hố Gale của sao Hỏa chứa những phân tử hữu cơ phức tạp cách đây khoảng 3,5 tỷ năm. Dấu vết về chứng vẫn được lưu giữ ở các hòn đá giàu lưu huỳnh thu thập từ trầm tích hồ. Lưu huỳnh có thể giúp bảo vệ vật chất hữu cơ ngay cả khi hòn đá tiếp xúc với bức xạ và chất tẩy trắng như perchlorates.

"Đây là một phát hiện quan trọng", Samuel Kounaves, nhà hóa học ở Đại học Tufts kiêm cựu trưởng nhóm trong dự án thiết bị đổ bộ Phoenix Mars của NASA, cho biết. "Có những địa điểm đặc biệt gần bề mặt, nơi phân tử hữu cơ được bảo quản tốt".

Ngoài carbon cổ đại, robot Curiosity còn tìm kiếm vật chất hữu cơ tồn tại trên sao Hỏa ngày nay. Thiết bị thăm dò kiểm tra khí quyển sao Hỏa theo định kỳ từ khi đáp xuống bề mặt hành tinh. Cuối năm 2014, các nhà nghiên cứu sử dụng dữ liệu này phát hiện methane, phân tử hữu cơ đơn giản nhất, có trong khí quyển của hành tinh đỏ.

Sự có mặt của methane trên sao Hỏa gây bối rối cho nhóm nghiên cứu, bởi hợp chất này chỉ tồn tại vài trăm năm. Điều này có nghĩa một nguồn nào đó trên sao Hỏa liên tục bổ sung methane. "Đây là loại khí đáng ra không nên có trong khí quyển sao Hỏa", nhà khoa học Chris Webster ở Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA, nhận định.

Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục