Kiếm hiệp Kim Dung: 5 đại cao thủ bất bại nhưng ít được nhắc đến truyện Kim Dung

Tiêu Dao Tử

Bức tượng được đệ tử của Tiêu Dao Tử tạc.

Trong Thiên long bát bộ, Tiêu Dao Tử là tổ sư sáng lập phái Tiêu Dao, tuy nhiên không có nhiều thông tin về thân thế cũng như cuộc đời của ông, nhưng thông qua các đệ tử của ông. Tiêu Dao Tử được nhiều người đọc đánh giá là một trong số những nhân vật có võ công và nội lực cao nhất trong các bộ tiểu thuyết của cố nhà văn Kim Dung. Ông tự mình sáng tạo ra tuyệt học riêng và truyền lại cho ba người đệ tử. Theo thứ tự nhập môn, họ bao gồm Thiên Sơn Đồng Lão, Vô Nhai Tử và Lý Thu Thủy. Sau này truyền đến Hư Trúc thì môn phái này không xuất hiện thêm nữa trong các tiểu thuyết khác của Kim Dung. Bảo vật trấn phái của chưởng môn Tiêu Dao là một chiếc nhẫn bằng bảo thạch.

Thậm chí, nhiều fan cho rằng với việc sáng tạo ra vô số môn võ công trác tuyệt, cải lão hoàn đồng, hay khinh công, ám khí bậc nhất thiên hạ, Tiêu Dao Tử đã vượt qua giới hạn con người, đắc đạo thành thần tiên.

Vô danh thần tăng

Đây là một nhân vật không hề có tên hay ngoại hiệu, Vô danh thần tăng là cách gọi của nhiều fan kiếm hiệp về nhân vật đặc biệt trên. Xuất hiện ngắn ngủi một vài đoạn trong Thiên long bát bộ, nhưng ấn tượng mà đệ nhất cao thủ này để lại mãnh liệt tới mức không mấy người mê truyện không nhớ tới.

Vô danh thần tăng.

Vốn chỉ là nhà sư quét chùa, Vô danh thần tăng xuất hiện một cách khiêm tốn, giản dị trong tiểu thuyết của cố nhà văn Kim Dung với bộ áo cà sa sờn cũ, hòa giải ân oán giữa Tiêu Viễn Sơn và Mộ Dung Bác.

Tuyệt thế võ thuật của lão tăng này chính là làm được những việc không ai làm được. Hai chưởng đánh gục Mộ Dung Bác và Tiêu Viễn Sơn nhẹ như lông hồng, dùng một tay đỡ đòn Hàng long thập bát chưởng của Kiều Phong mà chỉ lui vài bước đủ để thấy võ công của Vô danh thần tăng cao thâm tới mức nào.

Lặng lẽ làm người quét dọn Tàng Kinh Các suốt mấy chục năm nhưng luận về tài và đức của tăng sư thì đến đại đức cao tăng cũng phải nghiêng mình kính phục. Nhân vật này được coi là người có võ công cao nhất đương thời trong Thiên long bát bộ.

Hoàng Thường

Trong Anh hùng xạ điêu, qua lời kể của Lão Ngoan Đồng Chu Bá Thông cho Quách Tĩnh nghe thì người viết nên Cửu âm chân kinh là Hoàng Thường mà nguyên nhân sâu xa là từ những thù oán của Hoàng Thường với giới võ lâm.

Hoàng Thường vốn là một quan văn trong triều dưới thời đại vua Huy Tông triều Tống, theo lệnh của hoàng đế thu thập hết sách của Đạo gia 5481 quyển viết thành bộ sách Vạn thọ Đạo tàng (theo lời Chu Bá Thông thì việc này diễn ra vào năm Chính Hòa thứ năm, vua Huy Tông). Nhờ trí thông minh và kiên trì, Hoàng Thường đã học được toàn bộ các bí kíp võ học Đạo gia và trở thành một cao thủ võ lâm. Sau đó, theo lệnh của Huy Tông hoàng đế, Hoàng Thường dẫn quân đến tiêu diệt Minh Giáo, do lính triều đình quá kém cỏi nên quân của Hoàng Thường bị đại bại, nhưng ông cũng giết được một vài cao thủ và sứ giả của Minh Giáo. Sau đó Hoàng Thường bị người thân của các cao thủ mà ông đã giết cùng lúc kéo đến hỏi tội, Hoàng Thường giết được vài người, nhưng do kẻ thù quá đông ông không chống nổi, kết quả là cả nhà Hoàng Thường bị sát hại, chỉ một mình Hoàng Thường thoát nạn chạy lên núi ẩn náu quyết rèn luyện võ công cao cường để trả thù.

Sau một thời gian dài tu luyện và ngộ được đạo lý võ học, Hoàng Thường xuống núi với ý định trả thù nhưng ông nhận ra tất cả các đối thủ đều đã chết hết, thậm chí con cái đối thủ cũng đã già nua, Hoàng Thường hết ý định trả thù, nhưng tiếc những kiến thức võ học Đạo gia mà mình học được nên viết thành bộ Cửu âm chân kinh gồm 2 quyển: Quyển thượng bao gồm đạo lý thâm ảo của Đạo gia từ đó đúc kết thành bí kíp rèn luyện nội công căn bản, tiêu biểu đoạn mở đầu trong quyển thượng có câu "Đạo của trời là cắt cái có thừa bù vào chỗ không đủ, cho nên hư có thể thắng thực, không đủ có thể thắng có thừa" lấy ý "Đạo trời lấy chỗ thừa mà đắp vào chỗ thiếu hụt" từ Đạo Đức Kinh của Lão Tử. Quyển hạ gồm các chiêu thức khắc địch và bảo vệ thân thể. Sau khi Hoàng Thường qua đời, Cửu âm chân kinh lưu lạc trong nhân gian khiến giới võ lâm tranh đoạt và gây ra sự chém giết để giành lấy bí kíp này.

Vương Trùng Dương

Trong Anh hùng xạ điêu, Vương Trùng Dương mất trước khi thời đại Xạ Điêu bắt đầu. Những câu chuyện về ông thường được kể thông qua sư đệ Chu Bá Thông và các học trò của ông.

Vương Trùng Dương từng có tình cảm với nữ hiệp Lâm Triều Anh.

Theo đó, Vương Trùng Dương vốn khởi nghĩa chống quân Kim nhưng không thành. Ông quay về núi Chung Nam lập ra phái Toàn Chân. Ông lại có tình cảm với nữ hiệp Lâm Triều Anh nhưng không kết hôn, khiến nàng giận dỗi, chiếm lấy Hoạt tử nhân mộ của ông ở trên núi Chung Nam, từ đó hai người không nhìn mặt nhau.

Tại Hoa Sơn luận kiếm lần thứ nhất, Vương Trùng Dương được bầu là người võ công cao nhất, hiệu là Trung Thần Thông, được giữ bộ Cửu âm chân kinh. 4 người còn lại là Đông Tà Hoàng Dược Sư, Tây Độc Âu Dương Phong, Nam Đế Đoàn Trí Hưng và Bắc Cái Hồng Thất Công.

Võ công của Vương Trùng Dương là vô địch khi còn sống, nhưng Kim Dung lại không nói đến xuất xứ võ công của ông, chỉ nói Vương Trùng Dương từng là một lãnh tụ chống nhà Kim, sau đó thất chí nên xuất gia làm đạo sĩ, tu tập các phép dưỡng sinh của Đạo gia. Từ đó ta có thể tạm suy luận rằng võ công của ông được sáng tạo bằng cách tổng kết các phép cận chiến từ chiến trận và phép khí công của Đạo gia.

Tiên thiên công là môn nội công thượng thặng của Vương Trùng Dương, có tác dụng đả thông kỳ kinh bát mạch, tu luyện đến mức tận cùng cũng không thua kém gì Cửu âm chân kinh vì theo lời Vương Trùng Dương, có luyện thêm nữa cũng chỉ là thiên hạ đệ nhất mà thôi. Và thực chất ông giành Cửu âm chân kinh chỉ để cho thiên hạ thái bình...

Kiếm Ma Độc Cô Cầu Bại

Độc Cô Cầu Bại hiệu là Kiếm Ma, là một nhân vật hư cấu trong các tiểu thuyết võ hiệp của nhà văn Kim Dung, được xem là một trong số những nhân vật có võ công cao nhất trong các tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung, là thiên hạ vô địch.

Tạo hình Độc Cô Cầu Bại trên phim.

Độc Cô Cầu Bại được đề cập đến chi tiết trong hai bộ tiểu thuyết Thần điêu đại hiệp, Tiếu ngạo giang hồ và rất ngắn gọn trong bộ Lộc đỉnh ký. Độc Cô Cầu Bại chưa từng xuất hiện trong các tình tiết của tiểu thuyết mà chỉ để lại những triết lý đặc sắc về kiếm thuật.

Tên của Độc Cô Cầu Bại có nghĩa là Cô độc một mình cầu được bại trận, biểu thị khả năng kiếm thuật thần thông của nhân vật này. Các nhân vật có thể coi là truyền nhân của Độc Cô Cầu Bại là Dương Quá trong Thần điêu đại hiệp, Phong Thanh Dương và Lệnh Hồ Xung trong Tiếu ngạo giang hồ.

Trong xuyên suốt các tác phẩm kiếm hiệp nổi tiếng của nhà văn Kim Dung, Độc Cô Cầu Bại được coi là một nhân vật huyền thoại, từ thuở võ lâm sơ khai, ông đã được người trên giang hồ tôn là đệ nhất cao thủ bởi bộ kiếm pháp tuyệt học Độc cô cửu kiếm đặc tính dùng vô chiêu chiến thắng hữu chiêu.

Uy lực của nó cũng gần như bao trùm mọi loại võ công khác trên thiên hạ, khi có thể khắc chế mọi môn binh khí, chưởng pháp, nội công.

Thậm chí, cả một người không có nội lực cũng có thể nhờ Độc cô cửu kiếm đả thương một võ lâm cao thủ khác.

Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục