Phát hiện thiên hà xa trái đất nhất

Nhóm chuyên gia thiên văn học quốc tế thông báo phát hiện thiên hà cách chúng ta 30 tỉ năm ánh sáng, được xem là thiên hà xa nhất được tìm thấy cho đến nay.


Thiên hà xa xôi nhất có tên z8_GND_5296. Các nhà khoa học cho rằng phát hiện này giúp họ tìm hiểu về thời kỳ tiếp theo vụ nổ Big Bang. Trưởng nhóm nghiên cứu Steve Finkelstein thuộc ĐH Texas của Mỹ thông báo: “Đây là thiên hà xa nhất mà chúng tôi phát hiện. Chúng tôi đang nhìn thấy thiên hà này ở thời điểm khoảng 700 triệu năm sau vụ nổ Big Bang”.

Nhóm nghiên cứu quan sát thiên hà này nhờ vào viễn vọng kính không gian Hubble và khoảng cách của thiên hà này với trái đất sau đó được đài quan sát Keck ở Hawaii xác nhận.

Minh họa thiên hà xa xôi nhất (Ảnh BBC)

Do phải mất rất nhiều thời gian ánh sáng mới có thể đến được rìa ngoài của vũ trụ nên thiên hà này xuất hiện trước mắt các nhà khoa học cách nay đã 13, 1 tỉ năm (khoảng cách 30 tỉ năm ánh sáng là do vũ trụ vẫn đang giãn nở).

Các nhà khoa học đo khoảng cách của thiên hà này bằng cách phân tích màu của nó. Do vũ trụ đang giãn nở nên bước sóng ánh sáng căng ra. Điều đó làm các vật thể trở nên đỏ hơn bình thường vốn có. Họ lập tỉ lệ sự thay đổi sắc đỏ bên ngoài của vật thể đó theo thang điểm.

Thiên hà này có sắc độ đỏ 7, 51 điểm, phá kỷ lục của thiên hà đỏ nhất trước đây là 7,21 điểm và cho thấy đây là thiên hà xa nhất từng được biết đến. Nó có khối lượng bằng từ 1% đến 2% khối lượng thiên hà Milky Way của chúng ta và có điểm đặc trưng là nó đang cuộn khí và bụi lại thành những vì sao với tỉ lệ nhanh hơn gấp hàng trăm lần so với thiên hà của chúng ta.

Theo BBC

Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục