Chiến thuật giả chết tránh bạn tình hung hãn của chuồn chuồn cái

 Khi bị con đực săn đuổi để giao phối, chuồn chuồn cái từ trên trời lao xuống đất nằm bất động giả chết để tránh nguy cơ bị thương hay mất mạng.

Chiến thuật giả chết tránh bạn tình hung hãn của chuồn chuồn cái

Chuồn chuồn cái của giống Aeshna juncea áp dụng chiến thuật giả chết để tránh bạn tình hung hãn. Ảnh: Flickr

Chuồn chuồn cái của giống aeshna juncea áp dụng chiến thuật giả chết để tránh bạn tình hung hãn.

Trong nghiên cứu đăng trên tạp chí Ecology, nhà động vật học Rassim Khelifa tại Đại học Zurich, Thụy Sĩ lần đầu tiên ghi nhận chiến thuật giả chết để trốn bạn tình của chuồn chuồn, Theo tờ Newsweek đưa tin.

Trong hai năm thu thập trứng chuồn chuồn trên dãy Alps để phục vụ nghiên cứu tác động của nhiệt độ với ấu trùng, Khelifa phát hiện hành vi giả chết bất thường của những con chuồn chuồn cái thuộc giống aeshna juncea.

"Trong khi đang đợi ở một hồ nước gần thị trấn Arosa, tôi thấy một con chuồn chuồn lao xuống đất lúc bị một con chuồn chuồn khác rượt đuổi. Con chuồn chuồn rơi xuống là một con cái, nằm bất động, ngửa trên mặt đất", ông kể.

"Nằm ngửa là một tư thế bất thường với một con chuồn chuồn. Con đực bay phía trên con cái vài giây rồi bỏ đi", ông nói thêm. Con chuồn chuồn cái nhanh chóng bật dậy và bay đi khi Khelifa đến gần.

Trong vài tháng tiếp theo, Khelifa ghi nhận hàng chục trường hợp chuồn chuồn cái lao xuống đất giả chết khi bị chuồn chuồn đực săn đuổi để giao phối.

Tỷ lệ chuồn chuồn cái giả chết tăng cao khi cuộc cạnh tranh tìm kiếm bạn tình của chuồn chuồn đực càng nảy lửa. 86% trường hợp chuồn chuồn cái bị bạn tình săn đuổi lao xuống đất giả chết, trong đó 77% thành công trong việc đánh lừa con đực hung hãn, theo quan sát của Khelifa.

Khelifa cho rằng hành vi giả chết này có khả năng xuất phát từ sự thích nghi ban đầu (exaptation). Chiến thuật giả chết vốn được chuồn chuồn sử dụng để tránh kẻ săn mồi, con cái sau đó áp dụng chiến thuật này để tránh sự cưỡng ép của bạn tình hung hăng, có thể khiến chúng bị thương hoặc thậm chí mất mạng.

Nguồn gốc của việc này có khả năng do sự xung đột tình dục khi mỗi con đực và cái áp dụng các chiến thuật duy trì nòi giống khác nhau, phù hợp nhất với mục đích sinh tồn của chúng, Khelifa nói thêm.

Dù là một chiến thuật mạo hiểm, việc giả chết dường như giúp chuồn chuồn cái sống lâu hơn và tạo ra được nhiều hậu duệ hơn.

Theo Khelifa khoa học đã biết đến hành vi giả chết ở 4 loài động vật khác, gồm hai giống ruồi thuộc họ ruồi ăn sâu, bọ ngựa châu Âu và nhện pisaura mirabilis. Một bản nghiên cứu trước đây có đề cập việc chuồn chuồn cái của một giống khác nằm bất động, song không chỉ ra đó là hành vi giả chết.

Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục