Phương pháp trường sinh kỳ diệu của Trương Tam Phong

Người được các vị hoàng đế nhiều đời tìm kiếm và phong hiệu trong lịch sử, chắc là chỉ có một mình Trương Tam Phong.

Phương pháp trường sinh kỳ diệu của Trương Tam Phong: Thanh tâm quả dục

Trong hơn hai trăm năm của nhà Minh, hầu hết hoàng đế mấy đời đều từng tìm kiếm ông. Minh Anh Tông ban cho ông hiệu là “thông vi hiển hóa chân nhân”, Minh Hiến Tông phong cho ông hiệu là “thao quang thượng chí chân tiên”, Minh Thế Tông phong tặng ông là “thanh hư nguyên diệu chân quân”. (Đạo gia là tu chân, vì vậy những danh hiệu này đều có một chữ “chân”). Trong suốt thời nhà Minh, từ hoàng đế đến bá tánh, khắp nơi đều tôn sùng Đạo giáo, điều này không thể tách rời được sự ảnh hưởng to lớn của Trương Tam Phong.

Trương Tam Phong là đạo sĩ trải qua ba triều đại Tống, Nguyên, Minh, là tổ sư khai sinh phái Võ Đang. Trong Minh Sử có ghi chép: “Trương Tam Phong, người Ý Châu, Liêu Đông, tên thật Toàn Nhất, tự là Quân Bảo, hiệu là Tam Phong”. Bởi vì ông không chăm chút vẻ bề ngoài, nên còn gọi là Trương Lạp Thác (tức Trương bẩn thỉu). Thân hình ông cao lớn, “thân rùa lưng hạc, tai to mắt tròn, râu dài như kích.” Mùa hè chỉ mặc một bộ áo đạo sĩ, một cái áo rơm… có biệt tài nhìn qua là nhớ, ngao du thiên hạ, có người nói ông một ngày có thể đi ngàn dặm. Ông từng ngao du khắp nơi kỳ nham thâm cốc ở núi Võ Đang, ông nói rằng: “Núi này ngày sau chắc chắn đại hưng”.

Do Trương Tam Phong nổi tiếng thiên hạ, Chu Nguyên Chương từng nhiều lần tìm kiếm, nhưng đều không có kết quả. Con trai ông là Chu Đệ từ lâu cũng đã nghe danh tiếng của Trương Tam Phong, chỉ là không có duyên được gặp. Sau khi Chu Đệ đăng cơ, nhiều lần phái người đi tìm kiếm nhưng cũng không tìm được. Sau đó Chu Đệ ra lệnh phái thị độc học sĩ Hồ Quảng đi tìm và đem theo một lá thư vô cùng thành khẩn.

Bức chân dung của Trương Tam Phong được vẽ vào thời nhà Minh (Ảnh: Wikimedia).

Sau khi Trương Tam Phong nhận được thư của Chu Đệ, đáp lại bằng một bài thơ, nhờ đệ tử Tôn Bích Vân giao lại cho Chu Đệ:

Thiên địa gia thái hóa thành công
Triều dã hàm an trị đạo hanh
Hoàng cực điện trung long hổ tĩnh
Võ Đang vân ngoại chung cổ thanh
Thần cư thảo mãng nguyên vô dụng
Đế vấn sô nghiêu cổ hữu tình

Cảm bả vi ngôn lao thánh thính
Trừng tâm quả dục thị trường sinh.

Dịch nghĩa:

Trời đất giao hòa hóa thành công, triều dã an ổn dễ trị nước. Rồng hổ yên tĩnh trong cung điện, tiếng chuông trong vắt trên Võ Đang. Thần ở nhà tranh vốn bất tài, vua hỏi kẻ nghèo có chuyện chi. Dám đem lời mọn phiền vua nghe, tĩnh tâm quả dục là trường sinh. (Triều dã là chỉ triều đình và dân chúng).

Hoàng đế là cửu ngũ chí tôn, sở hữu đất đai rộng lớn, nguyện vọng lớn nhất của ông là gì? Là trường sinh. Trong lá thư này Trương Tam Phong đã kê một phương thuốc trường sinh kỳ diệu cho Vĩnh Lạc hoàng đế: “trừng tâm quả dục” (tâm phải trong sạch, dục vọng phải ít). Vĩnh Lạc hoàng đế có được phương thuốc của thánh nhân, vô cùng hài lòng.

Năm Vĩnh Lạc thứ 10, Chu Đệ triệu tập hơn ba mươi ngàn người thợ và quân dân, trải qua hơn mười năm, xây dựng được công trình to lớn trên núi Võ Đang gồm 8 cung điện, 2 đạo quán, 36 am đường, 72 ngôi chùa, tiêu tốn trăm ngàn lượng vàng. Sau khi xây xong, vua ban tặng tên “Thái Hòa Thái Nhạc Sơn”, thiết lập binh lính canh giữ. Điều này ứng với tiên đoán của Trương Tam Phong năm xưa.

Trương Tam Phong có rất nhiều trước tác, ví dụ như “Đại Đạo Luận”, “Huyền Cơ Trực Giảng”, “Huyền Yếu Thiên” v..v… đều được những người tu hành đời sau sùng bái. Tuy nhiên tác phẩm kiệt xuất nhất của ông là phải kể đến “ Vô Căn Thụ” (cây không gốc).

Đã là cây thì phải có gốc, thì mới có thể phát triển, nếu cây không có gốc, chắc chắn không thể sống lâu. Con người sống trên đời này, sinh lão bệnh tử, trăm mối lo nghĩ, ngày tháng trăm năm, chớp mắt đã qua, giống như cây không có gốc vậy. Trương Tam Phong sáng tác hai mươi bốn bài đan từ, lấy tên là “Vô Căn Thụ”, nhằm đánh thức người đời, khiến mọi người nhìn thấu cuộc đời như mộng huyễn, nên sớm tu hành.

Dưới đây là bài đầu tiên của “Vô Căn Thụ”:

Vô căn thụ, hoa chánh u, tham luyến vinh hoa thùy khẳng hưu?
Phù sinh sự, khổ hải chu, đãng lai phiêu khứ bất tự do
Vô biên vô ngạn nan bạc hệ, thường tại ngư long hiểm xứ du
Khẳng hồi đầu, thị ngạn đầu, mạc đãi phong ba hoại liễu chu

Dịch nghĩa:

Cây không gốc nên hoa tối màu, tham muốn vinh hoa ai chịu thôi?
Sự đời như chiếc thuyền trên biển khổ, trôi dạt tới lui chẳng do mình
Không bến không bờ khó neo đậu, thường trôi nơi hiểm nguy rồng rắn
Chịu quay đầu thì sẽ là bờ, đừng đợi sóng gió phá nát thuyền

Bài này chỉ rõ rằng đời người tham luyến vinh hoa phú quý, giống như con thuyền nhỏ trôi lênh đênh trên biển khổ, thường xuyên rơi vào cảnh nguy hiểm, khuyên con người nên thoát khỏi danh lợi, kịp thời tu luyện, “đừng đợi sóng gió phá nát thuyền”.

Từ trăm ngàn năm nay lý luận của Đạo gia luôn huyền bí, chữ nghĩa thâm sâu, nên không được xã hội tiếp nhận rộng rãi. Trương Tam Phong sử dụng thể chế của ca từ, chữ nghĩa dung tục để đem lý luận tu chân huyền diệu chuyển hóa thành ca từ “Vô Căn Thụ” mà người người yêu thích, “Vô Căn Thụ” có ảnh hưởng rất lớn đối với những người tu hành của đời sau.

Thái cực quyền mà Trương Tam Phong sáng chế cũng là một loại công pháp tính mệnh song tu (tức là vừa tu tính vừa tu mệnh), chú trọng nội tu, động tác chắc chắn, thần thái ung dung, cương nhu có đủ, lấy tĩnh chế động, vừa có thể chiến đấu, vừa có thể trường sinh. Hiện nay trên thế giới có rất nhiều người nghiên cứu và tập luyện Thái Cực. Chúng ta có thể thường xuyên nhìn thấy các cuộc thi đấu thái cực, biểu diễn Thái Cực quyền quy mô lớn theo nhóm, các bộ phim biểu diễn Thái Cực cũng rất nhiều. Thái Cực càng ngày càng nổi tiếng, nhưng lại càng ngày càng cách xa sự chân truyền của Trương Tam Phong năm xưa, đã biết thành bài thể dục Thái Cực quyền, vừa khó thực chiến vừa khó dưỡng sinh. Mọi người phát hiện, những sư phụ Thái Cực quyền nổi tiếng trong những năm gần đây chỉ có tuổi thọ trung bình khoảng 70 tuổi, điều này khác xa với tám mươi tuổi “áp đảo” đám đông. Vì sao lại như vậy?

Nhắc đến tu luyện, rất nhiều người đều tưởng rằng là luyện công, tập các động tác, đây là nhận thức vô cùng phiến diện. Tập luyện động tác chỉ là thứ yếu, tu tâm dưỡng tính mới là điều chủ yếu. Đạo gia thường giảng “thanh tĩnh vô vi”, thật ra chính là chủ tu tâm. Người tu luyện chỉ có xem trọng đạo đức để tu tâm tính, thì mới có thể nâng cao thứ bậc. Thử nghĩ xem, những sư phụ đó ham muốn danh lợi, tâm tranh đấu rất mạnh, họ có thể tĩnh được hay sao? Những tâm tưởng không tốt sẽ quấy rối họ, làm họ hao mòn, thì họ làm sao có thể tiến bộ? Có một số người ngay cả yêu cầu cơ bản nhất là “thanh tâm quả dục” cũng không làm được, thì nói gì đến tu luyện, nói gì đến trường sinh chứ?

Còn có một số người do tác động của danh lợi, hoặc là tập luyện cho hợp thời, hoặc là lập ra cái mới, tùy ý thay đổi động tác của Thái Cực, bịa ra một số thứ để lừa người khác. Trong công pháp chân truyền đều có huyền cơ, không thể tùy ý thay đổi, cho dù chỉ sửa đổi một chút thì cũng không còn là thái cực nữa. Những thứ lừa gạt người khác đó, có khi còn là làm hại người khác, nhưng có mấy ai biết chứ?

Theo NTDTV

Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục