Lượng vàng còn sót lại để khai thác trên toàn thế giới là bao nhiêu?

Vàng chưa bao giờ hết nóng, khi mà tháng trước, giá vàng đã đạt kỷ lục ở mức hơn 2.000 USD/ounce (tương đương khoảng 56 triệu đồng/lượng).

Dù mức tăng giá này bị lèo lái chủ yếu bởi các thương gia mua bán vàng, nó cũng khiến chúng ta phải đặt ra câu hỏi về nguồn cung của thứ kim loại quý giá được xếp vào hàng top thế giới, và liệu đến lúc nào nguồn cung đó sẽ cạn kiệt.

Như đã nói ở trên, vàng đang được săn đón như một loại tài sản đầu tư, một biểu tượng thể hiện sự giàu có, đồng thời còn là một vật liệu có vai trò trọng yếu trong nhiều sản phẩm điện tử.

Nhưng nó không phải là loại tài nguyên vô tận, và chắc chắn sẽ đến một thời điểm chúng ta không còn vàng để khai thác nữa.

Đỉnh vàng

Các chuyên gia thường nói về một khái niệm gọi là "đỉnh vàng" - tức khi chúng ta khai thác số lượng vàng nhiều nhất từng khai thác được trong một năm bất kỳ. Một số tin rằng chúng ta nhiều khả năng đã đạt đến cột mốc đó rồi.

Sản lượng ngành khai thác vàng đạt 3.531 tấn trong năm 2019, thấp hơn 1% so với năm 2018 - theo Hội đồng Vàng Thế giới. Đó là lần đầu tiên sản lượng vàng hàng năm giảm xuống kể từ năm 2008.

"Dù tốc độ tăng trưởng của nguồn cung ứng có thể chậm đi hoặc giảm nhẹ trong vài năm tới, các nguồn dự trữ hiện tại đã cạn kiệt, và việc phát hiện ra các mỏ lớn mới ngày càng trở nên hiếm hơn, nói rằng sản lượng vàng đã đạt đỉnh có lẽ vẫn hơi quá vội vàng" - theo lời Hannah Brandstaetter, người phát ngôn của Hội đồng Vàng Thế giới.

Kể cả khi đỉnh vàng đã diễn ra, các chuyên gia nói rằng những năm liền sau đó nhiều khả năng sẽ chưa chứng kiến một sự giảm mạnh trong sản lượng vàng. Thay vào đó, sản lượng vàng sẽ giảm dần dần trong một vài thập kỷ tới.

Sản lượng vàng hàng năm đã chững lại

"Sản lượng vàng đã bão hoà, và nhiều khả năng đang trên đà đi xuống, nhưng không đến mức đáng chú ý như vậy" - Ross Norman của trang MetalsDaily.com nói thêm.

Vậy rốt cuộc thì số lượng vàng còn sót lại trên thế giới là bao nhiêu?

Các công ty khai khoáng ước tính số lượng vàng còn sót lại dưới lòng đất theo hai cách:

- Dự trữ: vàng có thể khai thác một cách kinh tế ở mức giá vàng hiện tại

- Tài nguyên: vàng có tiềm năng để khai thác một cách kinh tế sau khi nghiên cứu sâu thêm, hoặc ở một mức giá cao hơn mức hiện tại.

Số lượng vàng dự trữ có thể được tính toán một cách chính xác hơn so với vàng tài nguyên, dù đó không phải là điều dễ dàng.

Kho vàng dự trữ dưới lòng đất hiện được ước tính khoảng 50.000 tấn - theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ.

Để tiện so sánh, thì cho đến thời điểm hiện tại, chúng ta đã khai thác tổng cộng 190.000 tấn vàng, dù con số này có thể dao động đôi chút.

Dựa trên những số liệu thô kia, vẫn còn lại khoảng 20% vàng để khai thác. Nhưng một lần nữa, ước tính này có thể thay đổi.

Những công nghệ mới trong tương lai có thể sẽ mang lại cho chúng ta cơ hội khai thác thêm một ít vàng dự trữ nữa mà ở thời điểm hiện tại, việc tiếp cận chúng vẫn chưa đảm bảo tính hiệu quả về kinh tế.

Những công nghệ mới nhất bao gồm dữ liệu lớn, AI, khai thác dữ liệu thông minh - tất cả đều có tiềm năng giúp tối ưu và giảm chi phí của quy trình khai thác.

Tại một số khu mỏ, công nghệ robot cũng đang được ứng dụng và được kỳ vọng sẽ ngày càng phổ biến, trở thành một loại công nghệ tiêu chuẩn trong khai khoáng.

Những nguồn vàng lớn nhất

Nguồn vàng lớn nhất trong lịch sử là lòng chảo Witwatersrand ở Nam Phi. Witwatersrand chiếm gần 30% tổng lượng vàng đã từng được khai thác.

Các nguồn vàng lớn khác bao gồm khu mỏ siêu sâu Mponeng ở Nam Phi, các mỏ Super Pit và Newmont Boddington ở Úc, mỏ Grasberg ở Indonesia, và các mỏ ở Nevada, Mỹ.

Top 10 quốc gia khai thác vàng nhiều nhất thế giới

Trung Quốc hiện là quốc gia khai thác vàng nhiều nhất thế giới, trong khi Canada, Nga và Pera cũng là những quốc gia có sản lượng vàng khá cao.

Nếu tính theo công ty, thì mỏ vàng Nevada thuộc công ty Barrick Gold là tổ hợp khai thác vàng lớn nhất thế giới, sản xuất ra khoảng 3,5 triệu ounces mỗi năm.

Dù các mỏ vàng mới vẫn đang được khám phá, các chuyên gia cho biết các mỏ lớn đang ngày một hiếm hơn.

Kết quả là hầu hết sản lượng vàng thế giới đều đến từ các khu mỏ cũ, đã được sử dụng trong nhiều thập kỷ qua.

Ngày càng khó khai thác?

Khai thác vàng quy mô lớn là một hoạt động cực kỳ hao tốn tiền bạc, cần sử dụng rất nhiều loại máy móc và đòi hỏi kỹ thuật chuyên môn nếu muốn khai thác những khu vực rộng lớn phía trên lẫn dưới bề mặt trái đất.

Ngày nay, khoảng 60% hoạt động khai thác vàng trên thế giới diễn ra tại các mỏ trên bề mặt, số còn lại là các mỏ dưới lòng đất.

"Khai thác ngày càng khó khăn hơn bởi nhiều mỏ lớn, chi phí thấp, và cũ như ở Nam Phi đã gần cạn kiệt" - Norman nói.

"Các mỏ vàng ở Trung Quốc thì nhỏ hơn nhiều và do đó có chi phí cao hơn".

Hiện số lượng khu vực có khả năng khai thác vàng chưa được khám phá ra là tương đối ít, trong đó những nơi hứa hẹn nhất nằm ở một số địa điểm khá bất ổn của thế giới, như ở Tây Phi chẳng hạn.

Cao kỷ lục

Dù giá vàng đã đạt mức cao kỷ lục vào hồi tháng 8 vừa qua, điều đó không đồng nghĩa hoạt động khai thác vàng cũng tăng lên.

Trên thực tế, những thay đổi trong hoạt động khai thác vàng thường diễn ra chậm hơn đáng kể so với sự thay đổi giá vàng.

"Xét quy mô của các hoạt động, thường mất nhiều thời gian để tinh chỉnh các cơ sở khai thác trước những thay đổi về các yếu tố bên ngoài, như giá vàng chẳng hạn" - Brandstaetter nói.

Ngoài ra, mức giá kỷ lục nói trên diễn ra trong bối cảnh cả thế giới đang thực hiện những biện pháp hạn chế tiếp xúc xã hội để đối phó COVID-19, khiến việc khai thác cũng trở nên khó khăn hơn, bởi các mỏ vàng phải đóng cửa hoặc tạm ngừng một phần nhằm hạn chế sự lây lan của virus.

Sự tăng giá vàng thực ra có nguyên nhân từ đại dịch, khi mà các nhà đầu tư xem vàng như một loại tài sản an toàn hơn để tích trữ trong thời buổi của những bất định về kinh tế.

Vàng ở những nơi không ngờ tới

Dù khó có thể định lượng được số vàng trong lòng đất, nó không phải là nguồn vàng duy nhất. Trên Mặt trăng cũng có vàng!

Tuy nhiên, chi phí liên quan việc khai thác và vận chuyển vàng từ Mặt trăng về Trái đất sẽ cao hơn đáng kể so với giá trị của chính bản thân vàng.

"Dù nó có tồn tại, việc khai thác nó sẽ không bao giờ có ý nghĩa về mặt kinh tế" - chuyên gia vũ trụ Sinead O'Sullivan nói. "Để khai thác, bạn sẽ phải bỏ ra một lượng tiền bạc lớn hơn rất rất nhiều so với những gì bạn thu về bằng cách bán vàng đó"

Tương tự, có một số mỏ vàng đã được biết đến ở Nam Cực, nhưng chúng có lẽ cũng không bao giờ đạt mức hiệu quả về kinh tế để khai thác, bởi những điều kiện thời tiết cực kỳ khắc nghiệt của lục địa này.

Vàng còn nằm rải rác dưới thềm đại dương, nhưng giống Nam Cực, khai thác chúng là điều không hiệu quả về mặt kinh tế.

Một ưu điểm đáng giá của vàng là, không như các loại tài nguyên không thể tái tạo khác như dầu mỏ, vàng có thể được tái chế. Do đó chúng ta sẽ không bao giờ hết vàng, kể cả khi không thể khai thác được nó nữa.

Một lượng lớn vàng đang được sử dụng trong các sản phẩm điện tử vốn được xếp vào danh mục không tái chế, như điện thoại di động. Lượng vàng trong một chiếc điện thoại bình thường có thể lên đến vài pound.

Và hiển nhiên, các nhà khoa học vẫn đang nỗ lực nghiên cứu để tìm ra những giải pháp hiệu quả nhất nhằm tái chế vàng trích xuất được từ rác thải điện tử.

 

Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục